Mô hình hoá khí hậu khu vực và biến đổi khí hậu là một trong những lĩnh vực đặc biệt được quan tâm không chỉ ở tầm quốc gia, khu vực mà cả trên thế giới. Nhờ sự phát triển vượt bậc và nhanh chóng của công nghệ thông tin và viễn thông, hệ thống khí hậu và các quá trình xảy ra trong nó ngày càng được con người hiểu sâu sắc hơn, đầy đủ hơn. Với sự ra đời của các công cụ, phương tiện quan trắc hiện đại, nhiều nguồn số liệu phi truyền thống đã được đưa vào sử dụng, như số liệu rada, vệ tinh, số liệu thám sát máy bay, hệ thống phao tự động trên các đại dương, v.v. Hệ thống khí hậu cũng ngày càng được mô tả chi tiết hơn, chính xác hơn bằng các mô hình toán học được giải trên các hệ thống siêu máy tính.
Là một quốc gia với dân số trên 90 triệu người, có vị trí địa lý nằm trong vùng nhiệt đới, gió mùa, hàng năm Việt Nam phải đương đầu với các hiện tượng thiên tai có nguồn gốc khí tượng thuỷ văn; nền kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào hệ thống sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, khí hậu. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, việc hiểu biết đầy đủ, dự báo chính xác tình hình thời tiết, khí hậu sẽ góp phần cung cấp thông tin, tạo cơ sở khoa học cho công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, qui hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, sắp xếp lịch thời vụ, v.v. Thông tin đầy đủ, chính xác về phân bố không gian, biến đổi theo thời gian của các đặc trưng yếu tố và hiện tượng khí hậu, đặc biệt là các hiện tượng cực đoan sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của nguồn tài nguyên khí hậu, đồng thời chủ động ứng phó trước mọi tình huống bất thường của thời tiết và khí hậu.
Chủ động nắm bắt được xu hướng này, nhóm REMOCLIC đã được phôi thai ngay từ đầu những năm 2000 và chính thức hoạt động theo cơ chế “tự phát, tự nguyện” từ khoảng năm 2005 với sự hợp tác giữa một nhóm cán bộ và NCS thuộc Bộ môn Khí tượng và một số nhà khoa học nước ngoài (Cục khí tượng Đức – DWD; Đại học Tổng hợp Munich, Cộng hoà Liên bang Đức; CSIRO, Australia). Nguồn kinh phí để duy trì nhóm được trích từ một số đề tài cấp Nhà nước, cấp Đại học Quốc gia và Chương trình Nghiên cứu Cơ bản. Tuy nhiên, REMOCLIC chính thức được quảng bá và được biết đến từ năm 2008, và được duy trì ổn định, có uy tín và phát triển vững chắc. Điều đó được thể hiện ở danh mục các đề tài, dự án trong nước và hợp tác quốc tế, các ấn phẩm khoa học mà các thành viên trong nhóm mang lại.
Một trong những vấn đề nóng hổi hiện nay và nhiều năm tới đây là nghiên cứu biến đổi khí hậu (BĐKH) và tác động của nó. Đây là một lĩnh vực mới, đòi hỏi tính liên ngành và đa ngành. Để phù hợp với xu thế phát triển chung REMOCLIC đã mở rộng qui mô nhóm bằng cách gia tăng số lượng các chuyên gia từ nhiều ngành khác nhau dưới hình thức cộng tác viên. Các thành viên mới từ các ngành địa lý, địa chất, môi trường, kinh tế, xã hội, v.v. đã tự nguyện tham gia và đóng góp vào việc xây dựng và phát triển nhóm. Một số nhà khoa học từ Đức, Australia, Đan Mạch cũng được dự kiến mời tham gia.
Với tầm nhìn trên đây, chiến lược phát triển của REMOCLIC là:
1) Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ nghiên cứu của nhóm. Đây được xem là chiến lược lâu dài, bền vững cho sự duy trì hoạt động và phát triển của nhóm. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cán bộ trẻ được REMOCLIC đặc biệt quan tâm. Ngoài một số cán bộ “biên chế”, REMOCLIC luôn duy trì một lực lượng cán bộ hợp đồng, được đào tạo theo nguyên tắc “learning by doing” dưới sự hướng dẫn của những người đi trước, tạo thành nhiều tầng tri thức. Các cán bộ trẻ này sẽ được gửi đi đào tạo ở nước ngoài nếu có cơ hội. Hiện nay một số cán bộ của REMOCLIC đang được đào tạo Tiến sỹ ở Mỹ và Nhật. Ngoài ra, việc lôi cuốn những chuyên gia giỏi trong và ngoài nước tham gia hoạt động nghiên cứu như là những cộng tác viên cũng được REMOCLIC ưu tiên.
2) Từng bước nâng cao uy tín, tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế và trong nước. Chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học và những đóng góp cho khoa học và thực tiễn là mục tiêu hướng tới của REMOCLIC. Muốn vậy, REMOCLIC cần thể hiện được năng lực và sản phẩm nghiên cứu của mình thông qua các đề tài trong nước, các dự án hợp tác quốc tế. Tính chuyên nghiệp, nghiêm túc, trung thực trong nghiên cứu khoa học luôn được REMOCLIC đặt lên hàng đầu. Ấn phẩm khoa học được thể hiện qua các công trình công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước, các hội nghị hội thảo quốc gia, quốc tế là một trong những mục tiêu quan trọng của REMOCLIC. Tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế và trong nước cũng là yếu tố quan trọng làm nâng tầm của REMOCLIC.
3) Thu hút nguồn kinh phí thông qua các đề tài, dự án. Tài chính là vấn đề sống còn cho sự duy trì hoạt động và phát triển của REMOCLIC. Nhận thức được điều đó REMOCLIC luôn chủ động tạo dựng các mối quan hệ hợp tác quốc tế và trong nước, tranh thủ mọi thời cơ có thể để có được các đề tài, dự án, tạo ra giá trị gia tăng từ những hoạt động nghiên cứu của mình. Tuy nhiên REMOCLIC không chủ trương “làm bất cứ cái gì để có tiền” mà luôn lấy hướng nghiên cứu chính của mình làm nền tảng, phát huy tối đa thế mạnh trong lĩnh vực chuyên sâu, phù hợp với chiến lược phát triển chung của nhóm.
4) Nỗ lực đóng góp cho khoa học và thực tiễn xây dựng, phát triển kinh tế của đất nước. Chiến lược phát triển trong nghiên cứu khoa học của REMOCLIC là khoa học chân chính hướng tới ứng dụng thực tiễn. Sản phẩm nghiên cứu của REMOCLIC phải có những đóng góp mới, có chất lượng cho sự nghiệp phát triển chung trong lĩnh vực khí tượng, khí hậu nhưng đồng thời phải nhằm mục đích phục vụ phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, định hướng sản xuất, qui hoạch lãnh thổ, phát triển bền vững của Việt Nam.
Trên cơ sở đó, các hướng nghiên cứu chính của REMOCLIC sẽ là:
1) Mô phỏng và mô hình hoá khí hậu khu vực. Số liệu quan trắc bề mặt mặc dù đã có mật độ dày hơn, chuỗi thời gian dài hơn, nhưng vẫn chưa đủ chi tiết để mô tả tính chất phân bố không gian và biến đổi theo thời gian phức tạp của các đặc trưng yếu tố khí hậu, nhất là đối với khu vực Việt Nam và phụ cận. Số liệu phi truyền thống cũng không thể thay thế số liệu quan trắc bề mặt. Do đó, để nhận được những thông tin chi tiết các đặc điểm khí hậu khu vực và địa phương việc ứng dụng các mô hình khí hậu khu vực có độ phân giải cao là lựa chọn hợp lý nhất. Các chủ đề nghiên cứu của REMOCLIC theo hướng này bao gồm: Đánh giá năng lực mô phỏng của các mô hình và khả năng cải tiến phát triển; Độ nhạy của các sơ đồ tham số hoá vật lý qui mô dưới lưới trong mô hình; Tác động và vai trò của bề mặt đệm liên quan đến biến đổi sử dụng đất, của aerosols,…; Hoạt động của gió mùa và hệ quả khí hậu; Mô phỏng số lượng xoáy thuận nhiệt đới, bão; v.v.
2) Dự báo hạn mùa (seasonal forecasting) bằng mô hình số. Bài toán dự báo hạn mùa có tầm quan trọng đặc biệt trong việc cung cấp thông tin cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng kế hoạch phòng tránh, ứng phó với nguy cơ tiềm tàng của thiên tai. Chiến lược của REMOCLIC theo hướng này là phát triển một hệ thống dự báo các trường trung bình, các trường cực trị và các hiện tượng cực đoan với hạn dự báo đến ít nhất 6 tháng. Các cách tiếp cận của REMOCLIC là trước mắt sẽ hạ thấp qui mô bằng các mô hình khí hậu khu vực sản phẩm dự báo từ các mô hình toàn cầu trên thế giới, sau đó tiến tới chạy các mô hình khí hậu toàn cầu kết hợp hạ thấp qui mô bằng các mô hình khu vực ngay trên hệ thống máy tính ở Việt Nam.
3) Biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một lĩnh vực đa ngành và liên ngành. Nghiên cứu BĐKH cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều bộ phận, cơ quan, cá nhân có chuyên môn sâu khác biệt nhau cùng giải quyết một lớp bài toán và hướng tới cùng một mục đích. Việt Nam với hơn 3000 km bờ biển, nằm trong khu vực châu Á gió mùa, hàng năm phải đối mặt với sự hoạt động của bão, xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Tây bắc Thái Bình dương và biển Đông, chịu tác động của nhiều loại hình thế thời tiết phức tạp. Các hiện tượng thiên tai khí tượng xảy ra hầu như quanh năm và trên khắp mọi miền lãnh thổ. Việc nghiên cứu BĐKH, đặc biệt là các hiện tượng cực đoan, và tác động của nó đối với các vùng, miền, lĩnh tìm kiếm giải pháp thích ứng là một trong những bài toán hết sức cấp bách.